Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Mạnh Tử
bó 把
◎ Nôm: 布 Đọc âm PHV. AHV: bả, bá. Ss đối ứng pɔ, bɔ (26 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 179], tro? (Katu) [NH Hoành 1998: 249]. bả / bó , nắm gốc Hán, chét, ôm gốc Việt.
dt. (lượng từ) ôm, nguyên nghĩa gốc là lượng từ, trỏ một khối lượng sự vật trong lòng bàn tay, giống như chét trong chét lúa. Thuyết Văn ghi: “Bả: nắm tay” (把,握也). Sách Mạnh Tử ghi: (拱把之桐梓), chú rằng: “dùng một tay mà bốc” (以一手把之也). Dương Vạn Lý có câu: “tháng hai sơn thành chẳng có đến một bó rau” (二月山城無菜把). nhật dụng thường đàm ghi: “Hoả bả 火把: là bó đuốc” [Phạm Đình Hổ 1827: 39b]. Đạp áng mây ôm củi, ngồi bên suối gác cần câu. (Trần tình 41.3). x. nắm.
bất nghĩa 不義
dt. tt. (việc) trái với đạo nghĩa, (việc) không nên làm. Cầu hiền chí cũ mong cho được, bất nghĩa lòng nào mựa nỡ toan. (Bảo kính 144.4, 185.8). Sách Mạnh Tử ghi: “Làm một điều bất nghĩa, giết một người vô tội mà chiếm được thiên hạ, thì cả hai việc ấy đều không làm” (行一不義殺一不辜而得天下皆不為也).
bất nhân 不仁
tt. <Nho> không có lòng nhân. (Trần tình 39.3)‖ Bất nhân vô số nhà hào phú, của ấy nào ai từng được chầy. (Bảo kính 171.7). Mạnh Tử thiên Công tôn sửu thượng ghi: “Nhân thì vinh, bất nhân thì nhục” (仁則榮,不仁則辱).
hùng ngư 熊魚
dt. hùng: gấu, ngư: cá. La ỷ lấy đâu chăng lưới thưới, hùng ngư khôn kiếm phải thèm thuồng. (Thuật hứng 68.4). Sách Mạnh Tử thiên Cáo tử có câu: “Mạnh Tử nói: cá là món ta thích, tay gấu cũng là món ta thích. Nếu hai thứ ấy chẳng thế có cùng một lúc, thì thả cá mà lấy tay gấu. Sinh thì ta cũng muốn; nghĩa thì ta cũng muốn. Nếu hai thứ ấy chẳng thể cùng có, thì bỏ sống mà giữ lấy nghĩa vậy.” (孟子曰:魚我所欲也;熊掌亦我所欲也,二者不可得兼,舍魚而取熊掌者也。生亦我所欲也;義亦我所欲也,二者不可得兼,舍生而取義者也). Các cách phiên chú trước nay đều hiểu hùng ngư là món sơn hào hải vị [ĐD Anh 1976: 748; MQ Liên, 2001: 799; NT 2008: 115]. hùng ngư ở đây không phải là chuyện ẩm thực mà nó là cái biểu đạt (signifier) cho một thực thể tinh thần cao sang tối thượng: đạo nghĩa (signified). Như thế, câu thơ hùng ngư khôn kiếm phải thèm thuồng có thể hiểu theo hai cách có tính lưỡng trị. Đó có thể là tuyên ngôn về lối hành xử của một nhà Nho hành đạo: thà chết chứ không bao giờ bỏ đạo nghĩa. Và thứ hai, nếu liên hệ đến cuộc đời của Nguyễn Trãi, thì đó còn là một câu tự nghiệm, một câu than thở, đau đớn và nghiệt ngã. Nếu như câu này ông viết khi bị thất sủng, khi tính mệnh bị đe hoạ, hơn nữa nếu như nó được viết trước khi ra pháp trường thì đó là những câu thơ tuyệt mệnh. Đâu còn là cái chuyện được lựa chọn nữa. Hoặc sống ư? hoặc giữ đạo nghĩa ư? cá không có mà tay gấu cũng không: chết thì chắc rồi mà đạo nghĩa cũng không giữ được. Ô danh thiên cổ: mưu cùng thiếp mọn giết vua, cái tiếng xấu ấy bao giờ gột được? đây có thể coi là những cảm xúc đau đớn tột độ sau những ngôn từ điển nhã, điềm tĩnh và sâu kín. [TT Dương 2011c: 13].
làm lành 𫜵冷 / 𬈋冷
đgt. <Nho> dịch chữ vi thiện 為善 (hành thiện, làm việc thiện). Sách Mạnh Tử thiên Công tôn sửu thượng có đoạn: “Mạnh Tử nói: Tử Lộ kia, người ta đem chuyện lỗi lầm nói với nó thì nó lại vui. Trong khi, vua vũ nghe điều thiện thì vái lạy. Vua Thuấn cao hơn cả, cùng người làm việc thiện. Bỏ ý của riêng mình mà thuận theo ý của dân, dân vui thì cho đó là làm điều thiện.tự cày, tự gieo hạt, tự đào giếng, tự câu cá cho đến làm vua, không có việc nào là không theo dân. Theo dân là làm điều thiện, ấy là cùng dân làm điều thiện vậy. Cho nên, quân tử không có việc gì quan trọng bằng việc làm điều thiện cùng với dân.” (孟子曰:“子路,人告之以有過則喜。禹聞善言則拜。大舜有大焉,善與人同。舍己從人,樂取於人以為善。自耕、稼、陶、漁以至為帝,無非取於人者。取諸人以為善,是與人為善者也。故君子莫大乎與人為善). hậu Hán Thư phần Liệt truyện ghi: “Có hôm hỏi Đông Bình Vương rằng ở nhà thì việc gì là vui nhất. Vương trả lời rằng làm thiện là vui nhất, lời ấy thực cao rộng, thực đáng là lời nằm lòng.” (日者問東平王處家何等最樂,王言為善最樂,其言甚大,副是要腹矣). Nguyễn Trãi từng viết: “sửa mình mới biết thiện là vui” (修己但知善為樂 tu kỷ đãn tri thiện vi lạc). Làm lành mới cậy chớ làm dữ, có đức thì hơn nữa có tài. (Tự thán 92.5, 99.8)‖ (Bảo kính 147.5).
mộc thạch 木石
dt. <Nho> gỗ và đá. Tính ắt nhiễm cùng bầy mộc thạch, lòng còn chạnh có thú yên hà. (Tự thuật 118.3). Sách Mạnh Tử thiên Tận tâm thượng có đoạn: “Mạnh Tử nói: ‘thuấn ở trong núi sâu, sống cùng gỗ đá, chơi cùng hươu nai cho nên ông không khác gì dân của núi đó. Nhưng khi ông nghe thấy một điều thiện, nhìn thấy một việc lành thì vui sướng như nước suối nước sông đang chảy, không gì có thể ngăn được’.” (孟子曰:“舜之居深山之中,與木石居,與鹿豕遊,其所以異於深山之野人者幾希。及其聞一善言,見一善行,若決江河,沛然莫之能禦也).
nhọc 辱 / 𢟲
◎ Nôm: 辱
tt. đgt. mệt mỏi, cực khổ [Paulus của 1895: 749]. (Thuật hứng 55.2, 64.4). Nhọc nhằn. Mỏi nhọc. Mệt nhọc. Nhọc công. Nhọc sức [Taberd 1838: 362]‖ (Tự thán 82.1, 85.1)‖ (Bảo kính 129.2)‖ Nẻo khỏi tiểu nhân quân tử nhọc, dầu chăng quân tử tiểu nhân loàn. (Bảo kính 133.3), dịch câu 無野人莫養君子無君子莫治野人 vô dã nhân mạc dưỡng quân tử, vô quân tử mạc trị dã nhân (Mạnh Tử- đằng văn công thượng)‖ (135.8, 146.6, 172.7, 177.6)‖ (Giới nộ 191.2).
đgt. HVVD <từ cổ> làm cho mệt nhọc, làm phiền đến, ảnh hưởng từ cấu trúc sử động trong văn ngôn. Sách Luận Ngữ thiên Tử Lộ ghi: “Đi sứ tứ phương, chẳng làm nhục đến mệnh vua” (使于四方,不辱君命 sứ vu tứ phương, bất nhục quân mệnh). Truyền tin chẳng lọ nhọc thanh đồng, cổi lòng xuân làm sứ thông. (Thái cầu 253.1).
nhụ tử 孺子
dt. <Nho> trẻ con. Cưu lòng nhụ tử làm thơ dại, ca khúc Thương Lang biết trọc thanh. (Tự thán 96.5). Sách Mạnh Tử thiên Ly lâu thượng có đoạn: “Mạnh Tử nói: có thể nói chuyện với bọn bất nhân chăng? chúng coi chỗ nguy hiểm là an toàn, coi chỗ tối tăm là lợi lộc, lại vui với những cái làm hại mình. Đã có thể nói chuyện được với bọn bất nhân ấy thì thế nào chả có lúc mất nước tan nhà? có cậu bé (nhụ tử) hát rằng: nước Thương Lang trong chừ, có thể rửa dải mũ; nước Thương Lang đục chừ, có thể cùng rửa chân’. Khổng Tử nói: ‘các con nghe lấy! trong thì gột mũ, đục thì rửa chân, ấy là nói về đức tự giữ mình’. Ôi, người tự khinh mình trước rồi sau người đời sẽ khinh cho; nhà tự hủ nát, thì người sẽ phá đi; nước đã tự đánh mình thì sau sẽ có người chinh phạt. Sách Thái Giáp viết: ‘trời làm tai nghiệt, thì ta còn có thể làm trái lại; chứ tự mình tạo ra tai nghiệt thì sống sao nổi’ (câu này ý nói là như vậy đấy). Chữ nhụ tử ở câu trên hàm ý trỏ Khuất Nguyên - kẻ ngây thơ như con trẻ. Đây là lối uyển ngữ mà Nguyễn Trãi đã mượn dùng từ Mạnh Tử.
nắm thì 捻時
◎ Nôm: 稔𪰛 (稔時). Phiên khác: nắm thời (MQL), thẩm thời (TVG, VVK), nhẫm thì (Schneider), nhằm thì: đúng lúc (BVN). Nay theo ĐDA, PL.
đgt. HVVT <Nho> dịch chữ đãi thì 待時. Sách Mạnh Tử thiên Công tôn sửu thượng có đoạn: “người tề có câu rằng: ‘tuy có trí tuệ, chẳng bằng thừa thế; tuy có cày bừa chẳng bằng nắm đúng thời vụ’”. (齊人有言曰:‘雖有智慧,不如乘勢;雖有鎡基,不如待時’). Phúc của chung, thì hoạ của chung, nắm thì hoạ khỏi phúc về cùng. (Bảo kính 132.2).
phú 賦
đgt. <Nho> ban, bẩm phú, thiên phú. Trời phú tính, uốn nên hình, Ắt đã trừng trừng nẻo khuở sinh. (Tự thán 96.1). Sách Mạnh Tử thiên Tận tâm thượng có đoạn: “hình sắc là thuộc tính trời ban; chỉ có thánh nhân, rồi sau mới có thể noi theo hình.” (孟子曰: 形色,天性也;惟聖人,然後可以踐形).
sản hằng 產恒
dt. <Nho> trỏ sản nghiệp cố định như ruộng đất, vườn tược, phòng ốc. Ngày tháng kê khoai những sản hằng, tường đào ngõ mận ngại thung thăng. (Mạn thuật 23.1).無恒產而有恒心 vô hằng sản nhi hữu hằng tâm (Mạnh Tử- lương huệ vương thượng).
Thương Chu 商周
dt. nhà Thương (1600 - 1100 tcn) và nhà Chu (1100 - 256 ctn) hai triều đại trong lịch sử Trung Quốc. Thương Chu kiện cũ các chưa đôi, sá lánh thân nhàn, khuở việc rồi. (Ngôn chí 2.1)‖ (Thuật hứng 58.4). Để hiểu cái lòng phiền của ông, gắn với ngữ liệu Thương Chu có lẽ chính thơ chữ Hán nói rõ hơn cả. Đó là bài Chu Công phụ thành vương đồ (đề bức tranh Chu Công phụ bật cho thành vương), một bài thơ ông biện biệt (đôi) rõ nhất cái lẽ Thương Chu ta đang quan tâm: “người phụ chính mật thiết và nhu nhẫn thì phải nhớ đến Chu Công, ứng xử cảnh quyền biến thì không ai sánh cùng Y Doãn. Di ngôn để ở ghế ngọc luôn giữ trong tâm niệm, hộp buộc dây vàng sự xưa đâu dám kể công. Đã tự nhiệm việc tôn phò vương thất lúc an lúc nguy, thì tả hữu không ai là không phò thánh chúa. Tử Mạnh may ra cũng chỉ phảng phất thấy tí thôi, việc ủng phò chiêu đế cũng chịu khoanh tay đứng dưới gió.” (懿親輔政想周公, 處變誰將伊尹同. 玉几遺言常在念, 金藤故事感言功. 安危自任扶王室, 左右無非保聖躬.子孟豈能占彷彿, 擁昭僅可挹餘風 ý thân phụ chính tưởng Chu Công, xử biến thuỳ tương Y Doãn đồng. Ngọc kỷ di ngôn thường tại niệm, kim đằng cố sự cảm ngôn công. An nguy tự nhiệm phù vương thất, tả hữu vô phi bảo thánh cung. Tử Mạnh khởi năng chiêm phưởng phất, ủng chiêu cẩn khả ấp dư phong). Nương theo chú thích bài này ta thấy Y Doãn, công thần của nhà Thương, giúp vua Thang đánh vua Kiệt, vua Thang chết, cháu là Thái Giáp vô đạo, Y Doãn đi cày ở đất đồng, được ba năm thì Thái Giáp hối hận, Y Doãn lại đón về kinh đô. Mạnh Tử khen Y Doãn là thánh. Chu Công đán là công thần nhà Chu phò Vũ Vương. Vũ Vương gần chết di ngôn giao vũ thành vương cho Chu Công giúp. Vũ Vương ốm nặng, Chu Công cầu với tổ tiên xin chết thay, sử quan đặt lời chúc vào hộp buộc dây bằng vàng (nên gọi là kim đằng). Vũ Vương chết, thành vương nối ngôi, Chu Công phụ chính. Quản thúc dèm, Chu Công lánh sang đông đô ở. Sau thành vương mở hộp kim đằng ra xem, biết bụng Chu Công, bèn rước Chu Công trở về. Còn Tử Mạnh là đại tướng quân nhà Hán, vâng di chiếu của hán vũ đế phò chiêu đế, làm sao mà sánh được với cố sự Thương Chu. Bài thơ biện luận về chuyện Y Doãn, Chu Công đời Thương đời Chu, chở cái đạo của Nguyễn Trãi, nói cái chí của Nguyễn Trãi, chất chứa cái kỳ vọng của ông nhưng cũng như vẽ ra trước mắt chúng ta Hoàn Cảnh hậu chiến phức tạp đối với những công thần phù vương lập quốc, đặc biệt lúc Lê Thái Tổ băng hà. Trong tình thế đó, Nguyễn Trãi đã băn khoăn biện biệt nhưng rồi ông đã phải đi đến một quyết định xử biến như người xưa: Thương Chu kiện cũ các chưa đôi, sá lánh thân nhàn khuở việc rồi… nhưng cứ đúng văn bản mà hiểu thì chắc Nguyễn Trãi muốn nhắc tới những công thần khai quốc như mình, đã từng đồng cam cộng khổ trong khởi nghĩa, đã từng thất điên bát đảo trong guồng quay hậu chiến, đã từng lựa chọn, đấu tranh, hi vọng và vỡ mộng. [NH Vĩ 2010: 1036-1038]. Lê quí đôn từng ghi nhận: “khi thái tông lên ngôi, Nguyễn Trãi nhận cố mệnh phụ chính”. Đặng trọng an trong Nam Hà ký văn tập cũng khẳng định: “do công lao, ông (Nguyễn Trãi) được phong Quan phục hầu và nhận di mệnh phù vua trẻ”(tr.2b). “quật khởi từ ấp nhỏ lam sơn, tiến lên quét sạch bọn giặc minh hung tàn cướp nước, sự nghiệp của lê lợi đã vượt xa Vũ Vương đời Chu. Nhưng theo truyền thống “pháp tiên vương” trước đây, các triều đại phong kiến vẫn thấy ở Văn Vương. Vũ Vương hình mẫu lý tưởng về một thời thịnh trị. Lê lợi cũng có điểm giống Vũ Vương: dùng võ công đánh kẻ bạo tàn, và cũng có con nhỏ kế vị. Trong Hoàn Cảnh đó, lê lợi mong muốn người phụ chính được như Chu Công là điều dễ hiểu. Nhưng với tư cách là kẻ nhận di mệnh phò vua nhỏ, không thể làm một vị “quốc thúc” như Chu Công, mặc dù hoài bão của ông, tài năng và đức độ của ông hẳn không thua kém gì. Ông tìm một tấm gương khác, sát với mình hơn, và có nói ta thì cũng là “danh chính”, “ngôn thuận”. Đó là Hoắc Quang: là một đại thần khác họ vua, quang đã nắm quyền phụ chính suốt hơn 20 năm, làm cho “muôn họ đầy đủ”, “bốn phương thuần phục” đất nước thanh bình. Đấy là sự nghiệp của quang và cũng là điều tâm niệm của Nguyễn Trãi. Có điều cung đình nhà lê sau khi lê lợi mất không cho phép Nguyễn Trãi thực hiện hoài bão phò vua trẻ, xây dựng đất nước như ta đã biết. Ông đành ngậm ngùi lui về ở ẩn chốn Côn Sơn. Dầu vậy, lời ký thác sâu nặng của lê lợi hình như luôn ở sâu thẳm trong trái tim ông. Vì vậy, khi thái tông khôn lớn, nhận ra lẽ phải, cho gọi đến ông thì vị lão thần này xúc động khôn xiết, vội vàng đáp lại yêu cầu của ông vua trẻ ra phò vua giúp nước. Đọc bài biểu tạ ơn của ông khi được thái tông tín nhiệm ta thấy tâm trạng hả hê rất hồn nhiên của ông, cứ như là Chu Công ở đất đông đô khi được ông vua trẻ đã hối lỗi là thành vương đón mời về kinh đô vậy.” [HV Lâu 1986: 79].
tiểu nhân 小人
dt. <Nho> nhân dân nói chung. Nẻo khỏi tiểu nhân quân tử nhọc, dầu chăng quân tử tiểu nhân loàn. (Bảo kính 133.3), dịch câu 無野人莫養君子無君子莫治野人 vô dã nhân mạc dưỡng quân tử, vô quân tử mạc trị dã nhân (Mạnh Tử- đằng văn công thượng).
dt. <Nho> trái với quân tử. Vườn hoa khóc tiếc mặt phi tử, đìa cỏ tươi nhưng lòng tiểu nhân (Vãn xuân 195.6). đc. sách Luận Ngữ ghi: “Quý Khang Tử hỏi Khổng Tử về việc chính trị rằng: ‘nếu như giết bọn vô đạo để đạt đến việc hữu đạo, liệu việc này thế nào?’ Khổng Tử trả lời rằng: ‘bậc quân tử làm việc chính trị sao có thể dùng đến giết chóc? ngài muốn thiện, thì dân cũng sẽ thiện thôi. Cái đức của quân tử như gió, cái đức của quân tử như gió, cái đức của tiểu nhân như cỏ. Gió ở trên cỏ, thì cỏ sẽ rạp xuống thôi’ ” (季康子問政於孔子曰:「如殺無道,以就有道,何如?」孔子對曰:「子為政,焉用殺?子欲善,而民善矣。君子之德風,小人之德草。草上之風,必偃).
trượng phu 丈夫
◎ Phiên khác: Đại phu (PL), theo nguyên bản viết nhầm “trượng” thành “đại”. Xét, “Đại phu” trong tiếng Hán có các nghĩa: bác sĩ, chức quan đời Chu, tên một tước vị thời Tần Hán, cách xưng hô trang trọng với nghệ nhân thủ công mỹ nghệ. Nay cải chính.
dt. <Nho> người quân tử có chí khí và tiết tháo. Mạnh Tử thiên Đằng văn công hạ có đoạn: “Giàu sang không mê hoặc được, nghèo khó không dời đổi được, sức mạnh không khuất phục được, đó gọi là bậc đại trượng phu.” (富貴不能淫, 貧賤不能移, 威武不能屈, 此之謂大丈夫 phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu). Lảo thảo chưa nên tiết trượng phu, miễn là phỏng dạng đạo tiên nho. (Ngôn chí 3.1)‖ (Trần tình 43.6)‖ Trượng phu non vắng là tri kỉ. (Tự thán 81.5), “trượng phu non vắng” tức trỏ cây tùng. Vì câu 2 đang nói đến những “bạn thân trong bốn mùa” gồm trúc Tưởng Hủ, Mai Lâm Bô, tùng trượng phu, ‖ (Bảo kính 152.8, 185.7)‖ (Trúc thi 222.4, 223.1).
tạc tỉnh canh điền 鑿井耕田
đgt. đc. đào giếng cày ruộng, công việc lao động, tự cung tự cấp của người ẩn sĩ. Sách Thiên Trung Ký ghi chuyện vua Nghiêu sau năm mươi năm trị nước, thịnh trị thái hoà, bèn mặc thường phục đi vi hành, gặp một ông lão ngoài chín mươi ngồi kích nhưỡng hát rằng “sáng ra thì làm, tối về thì nghỉ. Đào giếng mà uống, cày ruộng mà ăn. Đế lực có ảnh hưởng gì đến ta?”. (而日出而作日入而息鑿井而飲耕田而食帝力於我何有哉 nhật xuất nhi tác, nhật nhập nhi tức. Tạc tỉnh nhi ẩm, canh điền nhi thực. Đế lực ư ngã hà hữu tai?). Sách Liệt Tử trích đoạn vua Nghiêu lại thấy trẻ con hát lời đồng dao rằng: “rập dựng dân đen, chẳng ai trái luật. Không trí không xảo, thuận theo lẽ trời.” (立我蒸民莫匪爾極不識不知順帝之則 lập ngã chưng dân, mạc phi nhĩ cực, bất thức bất tri, thuận đế chi tắc). Nghiêu nghe thấy bài hát ấy xong, trở về cung, an tâm truyền ngôi lại cho thuấn. Mạnh Tử tập chú dẫn lời trình tử rằng: “Tạc tỉnh canh điền: đế lực có ảnh hưởng gì đến ta?” câu này ý nói noi theo cái lẽ tự nhiên của trời đất ấy là việc thực hiện chính sự của nhà vua.” (耕田鑿井,帝力何有於我?如天之自然,乃王者之政). Cao Thích trong bài Tống Dương Sơn Nhân quy Tung Dương viết: “Tạc tỉnh canh điển chớ vời ta, biết anh quyên thảy lệnh vua ra.” (鑿井耕田不我招,知君以此忘帝力。山人好去嵩陽路,惟餘眷眷長相憶 tạc tỉnh canh điền bất ngã chiêu, tri quân dĩ thử vong đế lực). Ruộng nhiều quê tổ năm ba thửa, tạc tỉnh canh điền tự tại nhèn. (Bảo kính 140.8). Tạc tỉnh canh điền vốn là biểu tượng cao nhất của xã hội thái hoà đời viễn cổ. Đó là một xã hội lý tưởng luôn nằm trong mộng tưởng của các nhà Nho. Lý tưởng ở chỗ các phép tắc chế trị đã nhất thể hoá với những quy luật của tự nhiên, và hoà làm một với cuộc sống của bách tính. Các nhà Nho ở ẩn đời sau đã lấy biểu tượng thái hoà thời viễn cổ (tạc tỉnh canh điền) này làm biểu tượng cho cuộc sống ẩn dật. ẩn dật không phải là một cuộc chạy trốn nhân thế mà là một hành vi chính trị, đứng ra ngoài môi trường hoạn hải bất trắc và phi tự nhiên kia để tự tạo cho mình một đời sống thái hoà lý tưởng, một ốc đảo hoà bình lý tưởng ít nhất đối với chính bản thân mình, đối lập với toàn bộ cuộc thế. Cuộc sống thái hoà lý tưởng ấy của các ẩn sĩ là một sự trải nghiệm từ trong tâm tưởng cho đến các hành vi nhật dụng sống động [TT Dương 2011c]. x. cày ăn đào uống.
Y Doãn 伊尹
dt. Đại thần thời đầu nhà Thương. Tên là Chí 摯, cũng gọi là Y Chí 伊摯. Doãn 尹 là chức quan. Trong giáp cốt văn Ân Khư, có lúc gọi tắt là Y. Đầu nhà Thương, vua Thang dùng ông làm Tiểu thần, sau giao làm quốc chính. Phụ tá thang phạt Kiệt diệt Hạ, dựng nên nhà Thương, giữ chức a hành hoặc Bảo hành. Sau khi Thang chết năm 1761 tcn, con là Thái Đinh chưa lập đã chết, ông lần lượt phò tá hai vua Bốc Bính tức là Ngoại Bính và Trọng Nhâm. Sau khi Trọng Nhâm chết, ông lại phụ lập Thái Giáp con của Thái Đinh. Y Doãn là nguyên lão phụ chính 4 triều vua dạy dỗ các vị vua trẻ rất cẩn thận. Ông nói với Thái Giáp: Bậc đế vương phải yêu dân, càng phải chăm chỉ học tập tinh thần trị nước của tổ phụ thang. ông còn lấy bài học của Hạ Kiệt mất nước để khuyên răn Thái Giáp. tuy nhiên, Thái Giáp từ nhỏ sống trong cảnh quyền quý, chỉ hưởng lạc mà không làm việc. Thái Giáp không nghe những lời dạy của Y Doãn, vẫn chơi bời phóng túng. Thấy Thái Giáp như vậy, Y Doãn đày vua đến cung đồng 桐 gần lăng miếu của thành thang và tự mình nắm quyền chính. Ông còn sai người đến giám sát Thái Giáp để vua suy nghĩ và tỉnh ngộ. Sau 3 năm, Thái Giáp hiểu ra sai lầm của mình, quyết tâm sửa chữa khuyết điểm. Khi thấy Thái Giáp biết tu tỉnh, Y Doãn đích thân đến đón rước vua về kinh đô và trao lại quyền hành cho Thái Giáp. Thái Giáp trở thành một vị vua giỏi của nhà Thương. Tương truyền Y Doãn sống hơn 100 tuổi mới mất. Công lao khai quốc và dìu dắt vua nhỏ đã khiến ông trở thành môt biểu tượng cho hiền thần trong quan niệm của nho sĩ đời sau: “thánh chi nhậm giả” (Mạnh Tử- vạn chương hạ). Đời Thương thánh biết cầu Y Doãn, nhà Hán ai ngờ được Tử Khanh. (Bảo kính 131.3).
đổi đất 対坦
đgt. đc. <Nho> dịch chữ dịch địa 易地 (đổi địa vị cho nhau). Sách Mạnh Tử thiên Ly lâu có câu: “vũ, tắc sống vào đời thịnh, ba lần qua nhà mình mà không vào thăm nhà được, Khổng Tử coi đó là hai người hiền. Nhan Tử sống buổi thời loạn, náu thân trong ngõ hẻm, một giỏ cơm, một bầu nước, người đời không ai chịu nổi, thế mà Nhan Tử chẳng đổi cái niềm vui ấy, Khổng Tử coi hồi là người hiền. Mạnh Tử bảo: ‘vũ, tắc và Nhan Hồi cùng đạo. Vũ lo thiên hạ gặp lũ lụt cứ như là mình đang bị lụt; tắc lo thiên hạ đói rét, cứ như là chính mình đói rét, cho nên mới vội vàng như thế. Vũ, tắc, Nhan Hồi dẫu có đổi vị trí cho nhau thì cũng đều hành xử như nhau cả thôi’” (禹、稷當平世,三過其門而不入,孔子賢之。顏子當亂世,居於陋巷。一簞食,一瓢飲。人不堪其憂,顏子不改其樂,孔子賢之。孟子曰:“禹、稷、顏回同道。禹思天下有溺者,由己溺之也;稷思天下有饑者,由己饑之也,是以如是其急也。禹、稷、顏子易地則皆然). Vũ truyền thiên hạ Nhan Uyên ngặt, đổi đất xong thì có khác nao. (Tự thuật 122.8).
Độc Lạc 獨樂
dt. đc. vườn Độc Lạc của Tư Mã Quang (còn gọi Tư Mã Ôn công) nhà sử học lỗi lạc đời Tống. Theo Lạc Dương danh viên ký thì trong khu vườn này của ông có một phòng đọc sách chứa đến hơn vạn cuốn. Từ Nguyên của chữ độc lạc vốn từ chương lương huệ vương hạ sách Mạnh Tử ghi: “Mạnh Tử hỏi rằng: một mình vui với nhạc, và vui nhạc cùng với người khác, cái nào vui hơn? rằng: chẳng bằng vui với người.” (獨樂樂,與人樂樂,孰樂?”曰:“不若與人). Léo chân nằm vườn Độc Lạc, chặm lều ở đất Nam Dương. (Tức sự 125.3).